Hàng loạt cuộc cải cách kinh tế gần đây ở Myanmar như: sửa đổi Luật đầu tư nước ngoài, luật công ty, chính thức áp dụng chính sách thả nổi có kiểm soát đồng nội tệ, giảm dần cơ chế quản lý xin cho trong xuất nhập khẩu… khiến nước này trở thành tâm điểm chú ý của cộng đồng quốc tế.
Trong lĩnh vực chính trị, sau cuộc bỏ phiếu bầu cử quốc hội bổ sung ngày 1.4 vừa qua, nhiều nước phương Tây cũng đang dần dần gỡ bỏ các rào cản cấm vận, tạo tiền đề cho Myanmar hội nhập quốc tế toàn diện. Sự khởi sắc của nền kinh tế Myanmar – “mảnh đất màu mỡ cuối cùng của châu Á” – sẽ có ý nghĩa gì với nền kinh tế các nước láng giềng, đặc biệt là đối với Việt Nam?
Có người cho rằng nếu quá trình cải cách tiếp tục phát triển thuận lợi, Myanmar có nhiều khả năng trở thành đối thủ mạnh của Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu gạo ở tương lai không xa. Không giống các nước khác trong khu vực hay bị thiên tai tàn phá, điều kiện thiên nhiên ở Myanmar rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Đất nước này có 19,39 triệu hecta đất nông nghiệp màu mỡ, có thể trồng hơn 60 loại cây nông nghiệp khác nhau.
Trong thập niên 1950 – 1960, Myanmar từng là nước xuất khẩu lúa gạo hàng đầu châu Á. Chỉ sau những bất ổn chính trị – xã hội, nền kinh tế suy thoái trong một thời gian dài, đất nước rơi vào cảnh nghèo nàn, trì trệ, ngành sản xuất lúa gạo mới trở nên tụt hậu. Hiện nay, Myanmar vẫn là một nước lấy nông nghiệp làm nền tảng để phát triển các ngành kinh tế khác. Chính phủ mới đang tiến hành nhiều chính sách để thúc đẩy lĩnh vực này. Chẳng hạn như các đơn vị xuất khẩu gạo được hỗ trợ bằng cách giảm thuế để hướng tới mục tiêu tăng sản lượng gạo xuất khẩu lên 20%, đạt 1 triệu tấn trong năm 2012 – 2013.
“Trâu chậm uống nước đục”. Liên minh lúa gạo Việt Nam – Myanmar không còn là câu hỏi nên hay không, mà là hình thức ra sao, và xúc tiến nhanh như thế nào. |
Như vậy, với nhiều khả năng trở thành đối thủ cạnh tranh, liệu Việt Nam có nên tiên phong hỗ trợ Myanmar trong lĩnh vực lúa gạo, nhất là trong các hợp tác về cải tiến năng suất giống lúa, địa hạt mà Việt Nam có thế mạnh hay không? Câu trả lời chắc chắn là có, mà không những thế: phải làm ngay.
Thứ nhất, nếu Việt Nam không tiên phong, thì chắc chắn sẽ có nước khác nhảy vào. Đừng quên rằng một láng giềng khác của Myanmar là Thái Lan cũng là cường quốc xuất khẩu gạo, thậm chí còn đứng trên nước ta một bậc.
Thứ hai, lúa gạo Myanmar sẽ là nguồn đảm bảo an ninh lương thực cho Việt Nam trong tương lai. Là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, khi nước biển dâng, phần lớn đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ngập mặn, vựa lúa lớn nhất của cả nước sẽ bị sụt giảm nghiêm trọng về sản lượng, thậm chí chất lượng. Khi đó, trên cơ sở mối quan hệ gắn kết giữa hai nước và những tương đồng về tập quán nông nghiệp, sản xuất lương thực, Việt Nam có thể dựa vào Myanmar trong việc nhập khẩu lúa gạo với những ưu đãi và cách tiếp cận dễ dàng hơn các nguồn cung khác.
Cuối cùng, với mục tiêu “nông nghiệp Việt Nam phải hướng đến sự phát triển bền vững hơn, lấy chất lượng để thay số lượng” và cách thức thực hiện “giảm bớt sự phụ thuộc vào tài nguyên như đất, nước, vật tư, giá rẻ... chuyển sang tăng cường chất xám, năng lực quản lý của cán bộ nông nghiệp” như khuyến nghị của TS Đặng Kim Sơn, viện trưởng viện Chiến lược chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn, thì việc “chuyển giao công nghệ – kỹ thuật” theo xu hướng chiều dọc cho những đối tác ở tầm phát triển giản đơn hơn thể hiện một tư duy dài hạn.
Thông qua việc sàng lọc, thử nghiệm, trao đổi công nghệ, giống lúa, kinh nghiệm với Myanmar, Việt Nam có thể nâng tầm chất lượng lúa gạo của mình, quảng bá thương hiệu hạt lúa Việt, tạo việc làm, phân công lao động, cũng như sắp xếp lại những phân khúc thị trường mà cả hai bên tận dụng được lợi thế cạnh tranh một cách hiệu quả nhất. Việc hỗ trợ này, xét về dài hạn không những đạt được nhiều lợi ích hơn là canh cánh nỗi lo bị cạnh tranh bởi Myanmar, mà còn góp phần nâng tầm quan hệ chiến lược hai nước, tăng cường lòng tin, tạo động lực cho việc hợp tác, trao đổi trong các lĩnh vực khác.
Trương Minh – Đồng Dao
|